Âm nhạc và ca từ OK_Computer

Ảnh hưởng

Nghệ sĩ nhạc jazz Miles Davis (trái, 1986) và cây bút chính trị Noam Chomsky (phải, 2004) là hai trong số những nhân vật ảnh hưởng lớn tới OK Computer

Yorke thừa nhận điểm bắt đầu của album tới từ "sự sâu lắng choáng ngợp và thứ âm thanh gây sửng sốt" từ album Bitches Brew (1970) của Miles Davis[45]. Anh nói về Bitches Brew trên tạp chí Q: "Nó như thể tạo nên một thứ kỳ vĩ rồi lặng lẽ nhìn nó đổ sụp vậy, đó chính là vẻ đẹp của nó. Đây chính là cốt lõi mà chúng tôi muốn thực hiện với OK Computer."[46] Yorke cũng nhắc tới những ca khúc "I'll Wear It Proudly" của Elvis Costello, "Fall on Me" của R.E.M., "Dress" của PJ Harvey và "A Day in the Life" của The Beatles là những tác phẩm gây ảnh hưởng lớn tới cách viết nhạc trong album lần này của nhóm[12]. Radiohead còn đi xa hơn với việc phỏng theo phong cách thu âm soundtrack từ Ennio Morriconekrautrock từ ban nhạc Can – được Yorke miêu tả "lạm dụng quá trình thu âm"[12].

Theo Yorke, ban nhạc hi vọng đạt được "thứ cảm giác có chút gây sốc khi lần đầu nghe album, nhưng theo cách mà Pet Sounds của The Beach Boys làm được". Cũng từ đó, họ cũng hòa âm với piano điện, Mellotron, cello cùng nhiều nhạc cụ dây khác, glockenspiel và nhạc cụ điện[45]. Công cuộc thử nghiệm nhạc cụ của Radiohead được Johnny Greenwood tóm gọn "khi chúng tôi có đủ chất liệu để tạo nên một ca khúc hoàn hảo, không một ai biết được điều đó"[47]. Một đánh giá cho rằng OK Computer nghe như "một album điện DIY với giutar điện"[48]. Rất nhiều phần hát của Yorke được chọn chỉ với 1 lần thu duy nhất; anh cho rằng nếu anh cố gắng thử 1 lần nữa, anh "sẽ nghĩ về nó và khiến âm thanh trở thành khiếm khuyết"[46].

Ca từ

Ca từ của album được viết bởi Yorke thực sự trừu tượng hơn những điều cá nhân và cảm xúc mà anh dành cho The Bends. Nhà phê bình Alex Ross cho rằng phần ca từ như kiểu "sự tổng hợp của những lời đối thoại xưa cũ, thứ ngôn ngữ công nghệ và vài trích đoạn nhật ký đầy bạo lực" và "hình ảnh của cảnh sát chống bạo động trong cuộc đối đầu chính trị, những cuộc đời đau khổ ở những khu ngoại ô khang trang, những yuppie lập dị, và cả những người ngoài hành tinh bay qua lại trên đầu"[49]. Những chủ đề được đề cập tới bao gồm giao thông, công nghệ, sự mất trí, cái chết và cuộc sống hiện đại ở Anh, toàn cầu hóa cũng như những đối đầu với chủ nghĩa tư bản[50]. Yorke nói: "Trong album này, thế giới bên ngoài trở về đúng với những gì của nó... Tôi chỉ Polaroid[gc 2] lại mọi thứ vốn đang diễn ra quá nhanh quanh tôi."[51] Anh giải thích "Nó giống như một chiếc camera bí mật được đặt trong phòng, ghi lại từng nhân vật xuất hiện – những nhân vật khác nhau trong từng ca khúc cụ thể. Chiếc camera đó không phải là tôi. Nó là một từ trung lập, vô cảm. Nhưng cũng không hoàn toàn vô cảm. Mà thực tế, nó hoàn toàn ngược lại."[52]

Yorke cũng lấy cảm hứng từ những cuốn sách mình đang đọc, trong đó có những tác phẩm của Noam Chomsky[53], cuốn The Age of Extremes của Eric Hobsbawm, The State We’re In của Will Hutton, What a Carve Up! của Jonathan Coe và VALIS của Philip K. Dick[54]. Cho dù các ca khúc đều có chung một chủ đề, Radiohead lại không có ý định tạo nên một album chủ đề và nói ràng họ không hề muốn liên kết những ca khúc với nhau qua phương pháp kể chuyện[37][55]. Tuy nhiên, mục đích của họ lại là để khán giả phải nghe toàn bộ nội dung album. O'Brien nhớ lại: "Chúng tôi mất tới 2 tuần để sắp xếp thứ tự các ca khúc. Bối cảnh của từng ca khúc thực sự rất quan trọng... Đây không phải là một album chủ đề, nhưng ở đó có sự tiếp nối."[55]

Sáng tác

Ca khúc mở đầu "Airbag" lấy cảm hứng từ DJ Shadow và được dẫn dắt bởi chuỗi hợp âm gằn của guitar điện lập trình cùng những đoạn chơi trống của Selway. Ban nhạc lập trình đơn giản nhịp chơi trống qua phần mềm kỹ thuật số, chỉnh sửa qua Macintosh, cố gắng mô phỏng tối đa phong cách của Shadow cho dù kinh nghiệm của họ là khá hạn chế[56][57]. Phần chạy bass được bắt đầu và kết thúc khá ngẫu hứng, mang những hiệu ứng dub của thập niên 1970[58]. Nội dung ca khúc đề cập tới một vụ tai nạn giao thông và sự đầu thai, lấy ý tưởng từ một bài báo có tên "An Airbag Saved My Life" và cuốn Tử thư của Tây Tạng. Yorke viết "Airbag" nhằm thể hiện những suy nghĩ về sự an toàn trong giao thông hiện đại, và "ý tưởng rằng bất cứ lúc nào bạn ra đường bạn cũng có thể chết"[52]. Nhà phê bình âm nhạc Tim Footman cho rằng những cải tiến kỹ thuật cũng như nội dung chính là "chìa khóa nghịch lý" của album: "Những nhạc sĩ và nhà sản xuất cảm thấy thích thú với những công nghệ mới; trái lại thì ca sĩ lại nhắc tới những vấn đề xã hội, đạo đức và tâm lý... Đây là thứ phản chiếu đối lập trong văn hóa âm nhạc, với những chiếc guitar "thật" cùng đàm thoại với thứ chủ đề khó nhằn và âm thanh trống được thiết kế lập trình."[59]

"Paranoid Android" được chia nhỏ làm 4 đoạn, trở thành ca khúc dài nhất của album với 6:23. Những giai điệu khác nhau của ca khúc được lấy từ "Happiness Is a Warm Gun" của The Beatles và "Bohemian Rhapsody" của Queen, xen lẫn với cấu trúc AABA truyền thống[60]. Phong cách thể hiện được ban nhạc lấy cảm hứng từ nhóm Pixies[61]. Ca khúc được Yorke viết sau một đêm nhiều khó chịu trong một quán bar ở Los Angeles, khi mà anh chứng kiến một người phụ nữ đã dùng vũ lực sau khi bị ai đó trót làm đổ nước lên người[52]. Tiêu đề ca khúc được lấy từ nhân vật Marvin the Paranoid Android trong cuốn The Hitchhiker's Guide to the Galaxy của Douglas Adams[61].

Việc sử dụng keyboard trong "Subterranean Homesick Alien" là ví dụ điển hình cho thấy ban nhạc đang cố gắng bắt chước phong cách của Bitches Brew[62][63].

"Đó là khi chúng tôi khao khát tới tuyệt vọng để trở thành Miles Davis... Thật sự trơn tru. Và nó từng được đặt tên là 'Uptight'." – Thom Yorke[64]

Nhan đề ca khúc được lấy cảm hứng từ sáng tác "Subterranean Homesick Blues" của Bob Dylan với chủ đề mang đậm tính khoa học viễn tưởng nhắc tới một người luôn bị ám ảnh bởi việc bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Nhân vật kể chuyện kể lại rằng, sau khi trở lại Trái Đất, bạn bè của anh ta đã không tin những gì anh nói và anh trở nên lạc lõng[65]. Phần ca từ được Yorke lấy ý tưởng từ một bài luận khi còn ở trường Abingdon về phong trào Martian[gc 3], một phong trào văn học tại Anh duy lý một cách châm biếm những khái niệm trần tục của cuộc sống con người dưới góc nhìn của những "người Hỏa tinh" (martian)[66].

Tác phẩm Romeo and Juliet của William Shakespeare, đặc biệt là bộ phim phóng tác năm 1968[67], tạo nên cảm hứng cho phần ca từ của "Exit Music (For a Film)"[61]. Ban đầu Yorke định sáng tác ca khúc trực tiếp từ vở kịch, song rốt cuộc phần lời được viết nên lại tóm lược nội dung câu chuyện[68].

{{quote|"Chúng tôi viết ca khúc này cho bộ phim Romeo + Juliet. Tôi từng xem ấn bản của Zeffirelli khi 13 tuổi và tôi đã khóc rất nhiều, vì tôi không hiểu vì sao mà buổi sáng sau khi họ hôn nhau họ lại không chạy trốn. Đây là ca khúc mà tôi muốn khuyên người ta hãy chạy thật xa trước khi những điều tồi tệ ập tới. Một ca khúc rất cá nhân." – Thom Yorke[64]

Bản thân Yorke cũng so sánh đoạn mở đầu của ca khúc này, kết hợp giữa phần hát trên nền guitar acoustic, với album trực tiếp At Folsom Prison của Johnny Cash[69]. Phần hiệu ứng âm thanh đám đông cùng nhiều giọng sửa điện tử khác cũng được lồng ghép trong ca khúc này[70]. Ca khúc được đẩy lên đỉnh điểm với đoạn xuất hiện của dàn trống[70], và đoạn này được đánh dấu bởi hiệu ứng bóp méo âm thanh của fuzz pedal[30]. Phong cách âm nhạc trong đoạn này gần với ban nhạc trip hop Portishead, song tay bass Colin Greenwood gọi nó khá "khoa trương, nặng nề và thiếu sáng tạo"[71]. Ca khúc kết thúc với tiếng hát nhỏ dần của Yorke cùng tiếng đàn guitar acoustic và hiệu ứng âm thanh đám đông[68].

"Let Down" bao gồm nhiều đoạn chạy appergio của guitar cũng như piano điện. Johnny Greenwood chơi guitar với nhịp hoàn toàn khác với các nhạc cụ khác[72]. O'Brien cho rằng ca khúc này bị ảnh hưởng nhiều từ Phil Spector – người nổi tiếng với kỹ thuật "Wall of Sound" của mình[56]. Về phần ca từ, Yorke nói đó "là cảm giác bạn tham gia giao thông nhưng bạn không có khả năng kiểm soát nó, bạn đơn giản là đi qua cả ngàn chỗ và cả ngàn người song bạn hoàn toàn không thuộc về nó"[61].

"Tôi đang say xỉn trong hộp đêm và bất thần trong đầu tôi lại có xuất hiện ý nghĩ kỳ cục nhất: điều gì xảy ra nếu tất cả những kẻ đang uống đều đang tự sát bên những chai rượu? Nếu những chiếc chai kia được treo lên trần nhà, và sàn nhà thì biến mất, thì thứ còn lại duy nhất để níu kéo không phải chính là những chiếc chai đó sao? Nó cũng giống như nỗi sợ lớn lao về việc bị lừa gạt vậy." – Thom Yorke[64]

Bình luận về câu hát "Don't get sentimental/It always ends up drivel", Yorke nhớ lại: "Tính cảm xúc có thể khiến người ta xúc động mà đung đưa theo nó. Chúng tôi tập trung vào cảm xúc và cảm nhận của con người. Đó chính là "Let Down". Việc trở nên quá xúc động thực sự giả tạo. Hoặc thà rằng tưởng tượng đưa tất cả các cảm xúc được đặt lên một chiếc máy bay trong khi đó là một đoạn quảng cáo xe hơi hay chỉ là một bài hát nhạc pop."[46] Yorke đặt nặng thứ cảm xúc hoài nghi của Thế hệ X và cho rằng nó không chỉ thể hiện riêng trong "Let Down" mà còn trong quan điểm chung của toàn album[73].

Nhà phê bình Steve Huey cho rằng "Karma Police" là "một thứ gì đó không chính thống, vì ở đó không tồn tại một đoạn điệp khúc đúng nghĩa: những đoạn vào được xen lẫn với vài giai điệu ngắn, nhẹ nhàng hơn... và sau 2 lần như vậy, ca khúc chuyển sang đoạn kết hoàn toàn khác biệt."[74] Đoạn đầu tiên của ca khúc được chơi với tiếng guitar acoustic và piano[74], với những hợp âm được lấy từ "Sexy Sadie" của The Beatles[14][75]. Tới 2:34, ca khúc chuyển sang đoạn hòa ca dàn nhạc với câu hát "For a minute there, I lost myself" được lặp lại[74]. Ca khúc kết thúc với phần chơi guitar feedback qua hiệu ứng delay của pedal bởi O'Brien[56][75]. Nhan đề và ca từ của "Karma Police" được bắt nguồn từ một cuộc đùa vui trong tour diễn The Bends. Jonny Greenwood nói "Bất cứ khi nào có ai đó đối xử một cách tồi tệ, ta sẽ phải nói "Rồi sớm muộn cũng sẽ có một tay cảnh sát thích đáng tới tóm cổ hắn ta thôi"[gc 4]."[61]

"Fitter Happier"[gc 5] đơn giản là bản chơi nhạc chơi nền cho đoạn đọc lời chỉnh âm qua ứng dụng SimpleText trên Macintosh[76]. Được viết sau thời kỳ chững lại của văn học, "Fitter Happier" được Yorke miêu tả như danh sách những khẩu hiệu cấp tiên cho thập niên 1990 mà anh gọi là "thứ tức giận nhất mà mình từng viết"[61][77].

"Mọi người thì ở tầng dưới, nhảy nhót, còn tôi thì ngồi phía trên và viết nó trong vòng 10 phút. Tôi cảm thấy kích động và hoang mang tột đỉnh, và cuối cùng thật sự thoải mái khi để phần hát cho một chiếc máy tính vô tri vô giác." – Thom Yorke[64]

Ca khúc này vốn được chọn là ca khúc mở đầu album, song cuối cùng bị loại bỏ do ban nhạc e ngại những ảnh hưởng tiêu cực từ nó[39]. Steve Lowe cho rằng ca khúc là "lối phân tích sâu sa về những phong cách sống hỗn tạp ít nhiều ý nghĩa" với "sự mâu thuẫn nhằm phổ biến những giá trị xã hội của yuppie"[14]. Trong số những đánh giá về tính tưởng tượng thiếu kết dính trong ca từ, Footman đánh giá chủ để của ca khúc như "hiện thân vật chất đầy đủ song tinh thần lại trống rỗng của tính nhân văn phương Tây hiện đại, một nửa làm công ăn lương, một nửa Stepford Wive, hướng về những thùng chứa đầy những Prozac, Viagra hay bất kể những thứ gì khác mà bảo hiểm có thể trang trải."[78] Sam Steele gọi phần ca từ là "suối nguồn của những hình tượng lĩnh hội: những mảnh vỡ từ truyền thông, hòa lẫn với những khẩu hiệu quảng cáo về phong cách sống và những lời cầu mong sức khỏe. Đó chính là tiếng vo ve của xã hội ồn ào nhiều từ ngữ, và một trong số những thông điệp có vẻ như muốn nói rằng chúng ta đang sống trong một thế giới giả tạo, nơi mà chúng ta lớn lên mà không nhận biết được sự thật từ những mưu mô."[79]

"Electioneering" được mở đầu với tiếng chuông lắc rồi sau đó là những đoạn gằn của guitar điện chính là ca khúc mang hơi hướng nhạc rock nhất của toàn album; phong cách của nó hoàn toàn có thể được so sánh với những giai điệu của Radiohead thời kỳ Pablo Honey[76][80]. Đây cũng là ca khúc mang ý nghĩa chính trị trực diện nhất, bao hàm nhiều hoài nghi về những công việc chính trị[81][82]. "Electroneering" được lấy ý tưởng một phần từ cuốn Manufacturing Consent của Chomsky giải thích vai trò của truyền thông trong mô hình xã hội tuyên truyền[53]. Yorke liên hệ trực tiếp chính trị gia và giới nghệ sĩ với "kẻ truyền giáo rỗng tuếch đối diện với lượng micro vô hạn"[55][83]. Bình luận về chủ đề này, Yorke nói: "Bạn có thể nói gì về Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay những chính trị gia? Hay là ai đó cố vươn tay tới những nước châu Phi để tận dụng những nhân công nô lệ hay sao cũng được. Bạn có thể nói gì? Tôi viết nên câu "Cattle prods and the IMF"[gc 6] cho những người hiểu điều đó."[12] O'Brien thì cho rằng ca khúc đề cập tới việc đi tour quảng bá cho album: "Khi bạn phải vất vả cho việc đi tour kéo dài, chẳng hạn như ở Mỹ, bạn phải bay từ thành phố này qua thành phố khác suốt nhiều tuần lễ để gặp gỡ nhà báo và đại diện các nhà sản xuất. Sau quãng thời gian đó, bạn thấy mình như một chính trị gia phải hôn lên những đứa nhóc và bắt tay mọi ngườ suốt cả ngày."[34]

"Climbing Up the Walls" được miêu tả là "sự hỗn loạn hoành tráng", kết hợp giữa hòa âm dàn dây, âm thanh hỗn tạp cùng những tiếng định âm kim loại rất gằn. Phần chơi dàn dây được sáng tác bởi Jonny Greenwood từ 16 nhạc cụ khác nhau được lấy cảm hứng từ tác phẩm Threnody to the Victims of Hiroshima của Krzysztof Penderecki. Anh nói: "Tôi cảm thấy phấn khích trước viễn cảnh được viết nên một thứ gì đó không giống với "Eleanor Rigby", có nghĩa là phần dàn dây sẽ được trình bày không phải như những gì vốn có từ 30 năm trở lại đây."[55] Một đánh giá viết về phần góp giọng của Yorke và giai điệu phi điệu tính của dàn nhạc: "Giọng của Yorke tan chảy mà không có chút sợ hãi với những tiếng thét đông cứng, cũng như Johnny tạo âm thanh như thể quất ngã một cách ngày một dữ dội cả triệu con voi vậy." Về phần ca từ, Yorke đã thể hiện lại những trải nghiệm của cá nhân tại một bệnh viện tâm thần trong chiến dịch Care in the Community nhằm những hỗ trợ những bệnh nhân tâm thần, kết hợp cùng với nội dung vài bài viết trên tờ The New York Times về một kể giết người hàng loạt[34].

"No Surprises", được thu trong 1 lần duy nhất[84], hòa âm bởi guitar điện (lấy cảm hứng từ ca khúc "Wouldn't It Be Nice" của The Beach Boys)[85], guitar acoustic, glockenspiel và hòa ca[86]. Với "No Surprise", ban nhạc cố gắng lấy cảm xúc từ "What a Wonderful World" (1968) của Louis Armstrong cùng phong cách của nghệ sĩ nhạc soul, Marvin Gaye[34]. Yorke nói rằng nội dung của ca khúc đề cập tới "một người cố gắng hết sức để giữ tất cả lại cùng nhau song thất bại"[12]. Phần ca từ mang ít nhiều hàm ý về việc tự sát[79] hoặc về cuộc sống tăm tối, cùng với việc không hài lòng về những quan điểm xã hội và chính trị[87]. Nhiều câu hát lại liên tưởng tới những hình ảnh vùng đồng quê[88] hoặc ngoại ô[54]. Một trong những câu hát ẩn dụ nhất đó chính là "a heart that's full up like a landfill"[gc 7]. Theo Yorke, anh viết ca khúc này để "chửi bới thứ văn học đại trà" và "ấp ủ từ những suy nghĩ không lành mạnh của tôi về những điều có thể làm được với chai và hộp nhựa... Tất cả những thứ cần được hỏa thiêu, tất cả những mảnh vụn của cuộc sống này. Chúng không biến mất, chúng vẫn tồn tại ngay đây. Thứ mà chúng ta làm, thứ mà cả tôi vẫn làm, là đốt tất cả chúng đi."[89] Nhiều đánh giá cho rằng cảm xúc nhẹ nhàng của ca khúc là quá đối lập với phần ca từ[90]. Steele viết: "kể cả chủ đề nói tới việc tự tử... tiếng guitar của Ed O'Brien cứ như thứ nước chườm cho vết thương còn rỉ máu, còn ca khúc thì như lời nguyện ngọt ngào của trẻ thơ vậy."[79]

"Lucky" được lấy cảm hứng từ chiến sự ở Bosnia. Sam Taylor cho rằng đây là "ca khúc duy nhất [của The Help Album] có thể miêu tả tình trạng bi thương của chiến tranh", trong khi tính nghiêm túc của chủ đề và thứ âm sắc tối tăm của nó là "quá "chân thực" để làm sụp đổ phong cách Britpop"[91]. Ca khúc này vốn ban đầu định ẩn chứa nhiều màu sắc chính trị hơn, nhưng những bản phác thảo sau đó đã được cắt xén với "hàng trang hàng trang những ghi chú"[39]. Ca từ đề cập tới một người sống sót sau vụ rơi máy bay, thể hiện rõ ràng những lo lắng của Yorke về việc sử dụng phương tiện giao thông[82]. Phần hòa âm chủ yếu của "Lucky" được trình bày với 3 guitar[17], được phát triển sau những giai điệu gằn được chơi trong đoạn mở đầu bởi O'Brien[52]. Nhiều đánh giá so sánh cách thể hiện ca khúc của ban nhạc với phong cách chơi guitar của Pink Floyd, và xa hơn nữa, là arena rock[15][92][93].

Album kết thúc với sáng tác của Johnny Greenwood, "The Tourist", mà được anh gọi là "thứ không nên xuất hiện... mỗi 3 giây". Anh nói: ""The Tourist" nghe không giống chút nào với Radiohead. Đây là ca khúc với nhiều khoảng lặng."[34] Greenwood viết ca khúc này sau khi thấy những vị khách du lịch vội vã ở Pháp, còn Yorke đóng góp phần ca từ viết về trải nghiệm du lịch khi tới Prague[94]. Yorke chọn đây là ca khúc kết thúc album vì "có quá nhiều album thích kết thúc bằng những thứ ồn ào, những thứ di chuyển rất nhanh thậm chí không thể nắm bắt được. Vậy nên rất hiển nhiên tôi muốn "Tourist" kết thúc album này. Ca khúc như thể được viết bởi tôi và cho tôi khi tôi viết "Này thằng ngu, đi chậm lại". Cũng vì lẽ đó, tôi có lẽ cũng cần chậm lại. Và đó cũng là lý do duy nhất có thể: cần phải chậm lại."[45] Ca khúc, như "một bản blues waltz không ngờ trước", được kết thúc với tiếng guitar điện dừng lại đột ngột, chỉ còn trống và bass trước khi hoàn toàn tắt hẳn bằng những tiếng chuông nhỏ[17].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: OK_Computer http://www.capif.org.ar/Default.asp?CodOp=ESOP&CO=... http://austriancharts.at/showitem.asp?interpret=Ra... http://www.aria.com.au/pages/aria-charts-accredita... http://www.ultratop.be/nl/goud-platina/1997 http://www.ultratop.be/nl/showitem.asp?interpret=R... http://www.collectionscanada.gc.ca/rpm/028020-119.... http://hitparade.ch/showitem.asp?interpret=Radiohe... http://www.1000recordings.com/music/ok-computer/ http://www.allmusic.com/album/ok-computer-collecto... http://www.allmusic.com/album/ok-computer-r278014/...